'Nhiều doanh nghiệp mơ tỷ lệ nợ như HAGL'
Bị đồn nợ đầm đìa, sắp phá sản đến nơi, Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức phản pháo nhiều doanh nghiệp mơ tỷ lệ nợ này mà không được.
Tổng nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai đến 31/12/2011 là 15.493 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng tính đến thời điểm trên là 25.576 tỷ đồng. Với hệ số nợ phải trả trên tổng tài sản là 63%, HAGL gần đây vấp phải rất nhiều thông tin xấu về khả năng trả nợ và tin đồn phá sản. Trả lời báo chí chiều 11/5, ông Đoàn Nguyên Đức bức xúc: "Tin đồn nợ nần, sắp phá sản là vô đạo đức. Tôi khẳng định tập đoàn hoạt động ổn định, thậm chí mạnh hơn những doanh nghiệp cùng ngành".
Về hệ số nợ 63%, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho là con số đáng báo động bởi nó cao hơn mức trung bình so với các tiêu chuẩn của quốc tế. Trong khi đó, dù thừa nhận hệ số nợ này không phải lớn nếu xét về con số nhưng chuyên gia Vũ Đình Ánh tin rằng HAGL đang có vấn đề nếu phân tích cùng với việc chậm nộp thuế, cổ phiếu sụt giảm.
Cũng cho biết tỷ lệ nợ vay 60-70% là bình thường đối với một doanh nghiệp Việt Nam nhưng chuyên gia tại một trường ngân hàng cho rằng, với một doanh nghiệp niêm yết, con số 63% là khá cao. "Doanh nghiệp niêm yết sẽ có tỷ lệ vay thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp không niêm yết vì có thêm cổ phiếu để huy động vốn trên thị trường", vị này giải thích.
Về vấn đề này, ông Đức nhấn mạnh thêm, những nhận xét, đánh giá của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh và chuyên gia Vũ Đình Ánh về các khoản nợ đầy rủi ro của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là chưa hiểu rõ báo cáo tài chính của tập đoàn lớn.
Ông Đức giải thích, HAGL là công ty đại chúng niêm yết với không dưới 10.000 cổ đông. Nhiều cổ đông nhỏ lẻ không hiểu biết gì về tài chính nghe tin đồn và nhận định một chiều về khoản nợ 15.600 tỷ đồng có thể bán tháo cổ phiếu. Điều này làm thiệt hại đến nhà đầu tư chân chính.
Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức khẳng định trong khoản nợ 15.600 tỷ đồng thực chất doanh nghiệp chỉ phải trả lãi vay cho các tổ chức tín dụng và ngân hàng 6.435 tỷ đồng với thời gian 7-10 năm, số còn lại không phải hoàn tiền. Ảnh: Vũ Lê |
Ông phân tích, cần phải phân biệt khoản nợ 15.600 tỷ đồng hoàn toàn khác với nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Thực tế tập đoàn chỉ phải trả lãi cho các tổ chức tín dụng 6.435 tỷ đồng. Số nợ còn lại đều được chuyển đổi thành trái phiếu, tài sản khai thác dài hạn hoặc khấu trừ bằng sản phẩm sắp bàn giao mà không cần hoàn lại tiền.
Cụ thể, khách hàng ứng tiền mua căn hộ được liệt vào khoản nợ phải trả của tập đoàn là 1.380 tỷ đồng nhưng số tiền này doanh nghiệp không có nghĩa vụ thanh toán lại. Nợ sẽ được khấu trừ khi chủ đầu tư giao nhà. Khoản nợ phải trả cho nhà thầu là 796 tỷ đồng nhưng hiện doanh nghiệp đã trả trước 2.000 tỷ đồng. Riêng khoản nợ thuế 749 tỷ đồng của năm 2011, tính đến ngày 31/3/2012 HAGL đã trả xong.
Ngoài ra, khoản tiền 2.300 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi mà doanh nghiệp bán cho Temasek cũng được liệt vào mục nợ phải trả nhưng sẽ được giảm trừ khi chuyển đổi thành cổ phiếu vào năm 2014. Đó là chưa kể đến các khoản tiền ngắn hạn doanh nghiệp sẽ thu của khách hàng gồm: 2.440 tỷ đồng tất toán 30% giá trị căn hộ để nhận nhà, 4.420 tỷ đồng hàng tồn kho chủ yếu là căn hộ đã hoàn thiện có giá vốn 7 triệu đồng mỗi m2.
Ghi nợ 15.600 tỷ đồng nhưng chỉ trả lãi vay cho khoản tiền 6.435 tỷ đồng. So với tổng tài sản, số nợ chỉ chiếm tỷ lệ 25%. "Các doanh nghiệp Việt Nam rất khó tìm được tỷ lệ nợ như HAGL. Nếu tỷ lệ này được cho là nguy hiểm, rủi ro thì doanh nghiệp cả thế giới cũng phải chào thua", ông Đức nói.
Một dự án căn hộ của HAGL đã bán tháo 20% hồi tháng 11/2011 và sắp bàn giao nhà trong quý III/2012. Ảnh: Vũ Lê |
Lãnh đạo Tập đoàn HAGL kể thêm tổng tài sản của doanh nghiệp theo sổ sách trị giá 25.500 tỷ đồng nhưng chưa được định giá lại và phân tích đó là tài sản gì, hình thành ở đâu, giá rẻ hay đắt.
Ông Đức công bố, về thủy điện HAGL có 420MW, hoạt động 160 MW số còn lại đang thi công, suất đầu tư trung bình 17-18 tỷ đồng một MW trong khi các đơn vị khác phải đầu tư 25-35 tỷ đồng. Cao su đã trồng xong 50.000 hecta với suất đầu tư 5.000 USD một hecta trong khi các đơn vị khác phải đầu tư nhiều gấp đôi gấp ba.
Về bất động sản ở Đà Nẵng tại số 1 Nguyễn Văn Linh mua cách đây 10 năm chỉ mất 3 triệu đồng nay lên đến 100 triệu đồng mỗi m2. Đất dự án Minh Tuấn quận 9, TP HCM mua cách đây 7 năm giá 1,5 triệu đồng mỗi m2 nay có giá 15 triệu đồng. Về căn hộ, tập đoàn có khả năng xây 2 triệu m2 sàn xây dựng với giá vốn 7 triệu đồng mỗi m2 trong thời gian tới tùy tình hình thị trường để bán với giá thích hợp.
Theo bầu Đức, nếu định giá lại tổng tài sản của tập đoàn phải là 50.000 tỷ đồng chứ không phải 25.500 tỷ đồng như trong sổ sách. "Hơn 20 năm nay HAGL chưa nợ quá hạn ngân hàng một đồng. Các khoản vay đều thế chấp với tỷ lệ tài sản 2 đồng nhưng chỉ vay 1 đồng. Tiền mặt chúng tôi có 2.800 tỷ đồng vậy nợ đầm đìa đến phá sản ở đâu ra?", ông lập luận.
Chủ tịch Tập đoàn HAGL kêu gọi cổ đông bình tĩnh khi tiếp nhận tin đồn hay những nhận xét một chiều để có những quyết định đầu tư hợp lý, tránh hiểu nhầm thông tin chưa chính xác gây nhiễu loạn thị trường.