Nhật Bản đóng cửa lò hạt nhân cuối cùng của mình

Nhật Bản ngày mai sẽ đóng cửa lò hạt nhân cuối cùng và bắt đầu một giai đoạn mới không có sự đóng góp của năng lượng nguyên tử vào lưới điện quốc gia.

tomari.jpg (480×300)
Nhà máy hạt nhân Tomari, nằm trên đảo phía bắc Hokkaido. Ảnh: EPA

Theo Telegraph, lò phản ứng số 3 tại nhà máy hạt nhân Tomari, nằm trên đảo phía bắc Hokkaido, sẽ được đóng cửa để kiểm tra an toàn định kỳ từ tối mai. Lần đầu tiên kể từ tháng 7/1966, nguồn cung từ năng lượng hạt nhân sẽ "biến mất" trong lưới điện quốc gia của Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đã cảnh báo rằng các thành phố lớn, trong đó có Tokyo và Osaka, sẽ phải đối mặt với những tháng cao điểm về nhu cầu điện trong mùa hè nóng nực và oi bức sắp tới, nếu chính quyền địa phương không cho phép tái khởi động 54 lò phản ứng hạt nhân.

Năng lượng hạt nhân từng cung cấp một phần ba tổng lượng điện của Nhật Bản. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này đã bị người dân lên án gay gắt kể từ sau khi trận động đất và sóng thần hung tợn năm ngoái phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima số một, gây ra cuộc khoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất lịch sử nước này.

Hiện các công nhân thuộc Công ty Điện lực Tokyo (Tepco), đơn vị vận hành nhà máy, đã đưa 4 lò phản ứng bị hư hại về trạng thái tắt nguội, nghĩa là nhiệt độ trong lò phản ứng ở dưới 100 độ C và không còn rò rỉ hơi nước phóng xạ. Tuy nhiên, sau thảm họa kép, một lượng lớn phóng xạ đã kịp thâm nhập vào đất đai, không khí và thoát ra những vùng biển xung quanh thuộc Thái Bình Dương. Trước sự phản ứng quyết liệt của người dân, không chính quyền địa phương nào cho phép tái khởi động lò phản ứng hạt nhân sau khi tiến hành các cuộc kiểm tra an toàn định kỳ.

Chính phủ Nhật Bản đã thuyết phục chính quyền tỉnh Fukui cấp phép hoạt động lại cho các lò phản ứng ở nhà máy Oi nhưng vẫn chưa đạt được kết quả.

"Tôi phản đối việc tái khởi động các lò phản ứng ở Oi hiện giờ", Toru Hashimoto, thị trưởng Osaka nói. "Không thể tái khởi động chúng chỉ dựa trên kết quả kiểm tra. Tất cả những nghi vấn, trong đó có tiêu chuẩn an toàn và liệu có xảy ra thiếu điện nếu không có các lò phản ứng hay không, vẫn còn phải xem xét".

Hôm 2/5, Jakucho Setouchi, một tiểu thuyết gia, đồng thời là một nữ tu, đã tổ chức biểu tình bằng cách tuyệt thực trước Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp ở Tokyo.

Bà Setouchi, 89 tuổi, đeo dải băng có dòng chữ "Không tái khởi động" và tuyên bố sẽ tiếp tục tuyệt thực cho đến khi nhà máy Tomari dừng hẳn hoạt động vào tối mai.

Leave a Reply