Không thể sex vì mắc bệnh tiểu đường

Ăn nhiều nhưng luôn mệt mỏi, phong độ "chuyện ấy" cũng giảm hẳn, nhiều lúc muốn gần vợ nhưng lại không thể khiến anh Thành, 40 tuổi thấy buồn bực, khó chịu. Đi khám nam khoa, bác sĩ cho xét nghiệm máu mới phát hiện anh bị tiểu đường.

"Đó là hai cú sốc đến với tôi cùng lúc. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có thể mắc hai bệnh nan giải này. Việc cả đời phải dùng thuốc, ăn uống kiêng khem, bỏ hẳn rượu và thuốc lá đã khổ, nhưng đau hơn là rơi vào tình trạng trên bảo dưới không nghe khi vẫn rạo rực ham muốn và vợ còn ngời ngời tuổi xuân", anh Thành tâm sự.

Trước đó, dù thấy sức khỏe có nhiều dấu hiệu thay đổi như thường xuyên mệt mỏi và giảm cân nhanh chóng, đi tiểu nhiều... nhưng anh Thành (Đào Tấn, Hà Nội) vẫn nghĩ do mình làm việc quá căng thẳng nên cũng không đi khám. Mãi tới khi gặp trục trặc trong đời sống gối chăn suốt mấy tháng liền, anh mới đến gặp bác sĩ và được phát hiện bệnh.

gs.jpg (450×322)
Giáo sư Trần Quán Anh đang đọc kết quả và tư vấn cho một bệnh nhân chữa bệnh nam khoa. Ảnh: Minh Thùy.

Cũng mắc phải bệnh tiểu đường khi mới 33 tuổi, anh Trung (khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) không chỉ mất tự tin vì bản lĩnh đàn ông giảm sút mà vợ chồng anh còn hoang mang vì chưa có mụn con nào.

Cưới vợ được nửa năm thì anh Trung biết mình bị tiểu đường và cao huyết áp trong một lần khám định kỳ ở công ty. Không tin là mình bị bệnh này khi vẫn còn trẻ, anh đi làm xét nghiệm và khám lại ở một bệnh viện chuyên khoa thì vẫn cho kết quả tương tự.

"Mình cũng không thể ngờ là mọi việc lại tiến triển nhanh thế. Sau khi phát hiện bệnh nửa năm, khả năng tình dục của mình suy giảm hẳn. Suốt 3 tháng rồi hai vợ chồng không thể 'yêu'. Nhìn vợ hay thở dài vì thiếu thốn, mòn mỏi mong con mà mình càng thấy khổ tâm", anh Trung tâm sự.

Từ ngày mắc chứng rối loạn cương dương và không thể hành sự, anh Trung lại thường xuyên xem phim "nóng" để giải tỏa bức bối. Vì điều này, vợ anh càng buồn hơn. "Mình biết thế nhưng chẳng thể làm gì khác", anh thở dài.

Giáo sư Trần Quán Anh, Giám đốc Phòng khám đa khoa tiết niệu và nam khoa Tâm Anh (Hà Nội) cho biết, ngoài các biến chứng có thể gặp như bệnh tim mạch, bệnh mắt (gây mù), nhiễm trùng... thì phần lớn nam giới mắc tiểu đường còn có thể bị rối loạn cương dương.

Có hai nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Thứ nhất, bệnh tiểu đường gây nhiễm độc thần kinh trong đó có hệ thần kinh điều khiển cung phản xạ của việc cương dương. Khi hệ thần kinh này bị tổn thương, làm rối loạn phản xạ cương, gây hiện tượng "trên bảo dưới không nghe". Thứ hai, bệnh tiểu đường làm cho lượng testosterone trong máu của người mắc giảm. Testosterone là một nội tiết tố nam, kích thích ham muốn, tạo cung phản xạ chỉ đạo việc dương vật cương. Việc giảm lượng nội tiết này cũng như dàn nhạc thiếu nhạc trưởng, khó hòa âm, dễ loạn nhịp.

Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý cũng tác động đáng kể. Hằng ngày phải lệ thuộc vào thuốc, sức khỏe tổng thể giảm sút, mắt có thể kém đi, huyết áp cao... khiến người bệnh dễ rơi vào trạng thái bực bội, chán nản, nhất là ở những người vốn tự mãn về cơ thể của mình. Điều này càng dễ dẫn tới giảm ham muốn, khả năng tình dục kém.

Bác sĩ cho biết, số bệnh nhân đi khám vì rối loạn cương do biến chứng tiểu đường ngày càng đông, ở nhiều lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất là trên 40.

Điều đáng nói là, chính các bệnh nhân cũng không biết mối quan hệ giữa hai bệnh này, và khi gặp trục trặc trong đời sống gối chăn, nhiều người thường cam chịu, không cố gắng tìm cách cải thiện, thậm chí cho rằng kiêng "yêu" càng tốt khi đang chữa tiểu đường. Trong khi đó, rõ ràng, trong quan hệ vợ chồng, nhất là những người còn trẻ, việc thiếu sex có thể ảnh hưởng tới tâm lý và hạnh phúc gia đình, nhất là khi giữa hai người thiếu sự sẻ chia, thông cảm.

Tất nhiên, theo giáo sư Quán Anh, đối với những người bị rối loạn cương dương do tiểu đường, việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải chữa tiểu đường. Cần tuân thủ việc dùng thuốc, chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa nội tiết, thực hiện khám định kỳ. Khi sống khỏe mạnh rồi thì mới có thể tính tới các nhu cầu khác như sinh hoạt tình dục.

Sau đó, để giúp các quý ông đang trị bệnh duy trì phong độ chốn phòng the, bác sĩ nam khoa có thể cho họ bổ sung testoteron và các thuốc hỗ trợ độ cương dương nhưng với liều gấp đôi bình thường.

"Người bệnh tuyệt đối không được tùy tiện sử dụng các thuốc này mà phải dùng theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, nếu không có thể nguy hiểm tới sức khỏe", bác sĩ khuyến cáo.

Ngoài gây rối loạn cương, tiểu đường còn có thể gây biến chứng xuất tinh ngược, dẫn tới vô sinh. Theo một nghiên cứu, có tới gần 1/3 số người tiểu đường bị giảm xuất tinh, hoặc không xuất tinh. Hiện tượng xuất tinh ngược lúc này là do các bệnh trên hệ thống thần kinh tự động làm huỷ hoại sự phân bố các nhánh thần kinh giao cảm tới vùng cổ bàng quang. Những người mắc bệnh này, nếu muốn có con cần được lọc rửa tinh trùng trong nước tiểu hay qua chọc hút tinh hoàn để thụ tinh nhân tạo.

"Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để giữ gìn sức khỏe và duy trì phong độ trong đời sống chăn gối, ngay từ trẻ, các bạn nam cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Nếu đã mắc tiểu đường, bạn cần điều trị càng sớm càng tốt và hãy nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa nếu gặp các biến chứng về nam khoa", giáo sư Trần Quán Anh nói.

Leave a Reply