Người tiêu dùng đang tự cứu mình bằng cách tiêu dùng khôn ngoan hơn.
Chỉ có tăng, không giảm
Chị Nguyễn Thị Nga (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) mới đây khi đi mua sữa cho hai con mới bất ngờ khi biết loại sữa Meiji Gold 3 chị thường mua đã tăng lên mức 385.000 đồng/hộp 900g. Mặc dù giá tăng nhưng chị Nga cho biết vẫn phải cắn răng mua vì bé đã quen sử dụng nhãn hiệu này nên rất khó thay đổi.
Nhiều đại lý sữa tại TP.HCM cho biết giá sữa tăng nhanh và mạnh khiến việc buôn bán chậm hẳn. Từ sau tết đến nay sức mua các loại sữa bột rất chậm, đặc biệt là những thương hiệu cao cấp giá từ 400.000-600.000 đồng/hộp trở lên. “Bà nội trợ nào cũng than trời nhưng họ vẫn ráng và chấp nhận dùng bớt lại. Trước đây khách hàng có thể mua 2-3 hộp một lúc nhưng hiện nay từng đó cũng ngốn cả bạc triệu nên họ giảm số lượng lại, khoảng cách mỗi lần mua cũng lâu hơn” - chủ tiệm Vũ Hào (Q.3) cho biết.
Điều khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc là giá sữa ở VN những năm gần đây chỉ theo một đường dốc đi lên mà không hề giảm dù giá sữa thế giới giảm không ít lần. Cụ thể, theo Bộ Công thương, giá sữa tại thị trường thế giới trong cả quý 1-2012 đều giảm so với cuối năm 2011, mức giảm thấp nhất khoảng 25-50 USD/tấn và cao nhất lên đến hơn 200 USD/tấn tùy theo thị trường.
Lý giải việc tăng giá sữa ngay trong thời điểm giá sữa thế giới có xu hướng giảm, giám đốc một công ty phân phối sữa nhập khẩu cho biết: “Giá nguyên liệu chỉ chiếm một phần rất nhỏ, giá tăng là do áp lực từ việc tăng giá của rất nhiều yếu tố đầu vào như biến động tỉ giá, chi phí vận hành, giá nhân công...”.
Việc tăng giá sữa loạn xạ đến mức bản thân nhà sản xuất cũng không kiểm soát được do không ít người bán lợi dụng “té nước theo mưa”.
Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, giám đốc đối ngoại Công ty FrieslandCampina, cho biết dù công ty vẫn đang giữ nguyên giá bán của tất cả các sản phẩm sữa bột Friso, kể cả các sản phẩm mới với công thức cải tiến, nhưng tuần qua thị trường đã rộ lên thông tin giá của công ty tăng 7-8% khiến người tiêu dùng hoang mang.
Một chuyên gia trong ngành sữa nhìn nhận sự vênh nhau giữa giá sữa trong nước và giá sữa thế giới đang phản ánh sự vận động không hợp quy luật của giá sữa tại thị trường VN, nhiều đối tượng đã trục lợi từ thực tế này.
Người tiêu dùng cân nhắc giá sữa tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM
Cơ hội cho sữa nội?
Theo nhẩm tính của người bán, trung bình một hộp sữa nhập có giá gần gấp đôi một hộp sữa trong nước nên nhiều người tiêu dùng đã quay về sữa nội hoặc chọn loại sữa có mức giá rẻ hơn. Chủ một đại lý sữa trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10) cho biết ngày càng nhiều hãng sữa ngoại xuất hiện tại thị trường VN khiến thị phần sữa đang bị chia nhỏ.
Đây cũng có thể là tín hiệu đáng mừng vì bây giờ người dân không còn chăm chăm vào sữa đắt tiền, sữa ngoại cao cấp mà chỉ cần thấy giá hợp lý, phù hợp khẩu vị trẻ là họ mua ngay.
Để chứng minh cho nhận định của mình, ông đưa cuốn sổ quản lý hàng hóa của tiệm và cho biết từ đầu năm đến nay doanh số mấy hãng sữa ngoại tăng giá nhiều đều giảm 20-25% trong khi lượng hàng bán ra của không ít thương hiệu sữa mới, giá vừa phải lại tăng lên nhanh chóng.
Theo bà Bùi Thị Hương - giám đốc đối ngoại Vinamilk, để đối phó với giá sữa tăng cao, nhiều người tiêu dùng quay về dùng sữa nội. Phản ứng đó cho thấy người tiêu dùng đang nhận thức đúng và đầy đủ hơn về thương hiệu, giá cả và chất lượng sản phẩm sữa.
Theo các đại lý, khoảng hai năm trở lại đây rất nhiều nhãn hiệu sữa ngoại xuất hiện trên các kệ bán như Nactalia (Pháp), Morinaga (Nhật), Angelac và Angelgrow (Hàn Quốc), Babaskino (Nga)... Không chỉ xuất hiện dưới hình thức xách tay, một số hãng sữa có mặt tại VN chính thức thông qua nhà phân phối, đầu tư phát triển bài bản nên phát triển thị phần khá nhanh chóng.
Tuy nhiên theo đại diện cửa hàng sữa Vũ Hào, dù thị trường sữa hiện nay khá đa dạng, nhiều mẫu mã, chủng loại nhưng doanh số, sức mua các hãng sữa ngoại vẫn chiếm ưu thế. Lý giải hiện tượng này, ông Trần Hữu Đức, giám đốc đối ngoại Công ty Nutifood, nhìn nhận đây là thực tế của thị trường sữa VN. “Hai năm gần đây, người dân bắt đầu quay về dùng sữa nội nhưng sữa nội vẫn chưa chinh phục được người tiêu dùng thu nhập cao mà chỉ đi vào đối tượng văn phòng, thu nhập trung bình”.
Theo ông Đức, hiện nay các công ty sữa trong nước đang tung lại hình ảnh, đầu tư chất lượng, mẫu mã để nâng cấp hình ảnh với người tiêu dùng. Có hãng sữa đã kết hợp với các trung tâm, viện nghiên cứu nước ngoài cho ra những công thức, sản phẩm sữa cao cấp hơn.
Mới chỉ quản lý phần... gốc Trao đổi với PV chiều 18-4, ông Nguyễn Anh Tuấn, phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), khẳng định chưa có doanh nghiệp nào đăng ký tăng giá sữa với Bộ Tài chính. Còn việc tăng giá sữa vào đầu tháng 4 đến nay có thể do các đại lý điều chỉnh. Hiện Bộ Tài chính chỉ quản lý được phần gốc, tức là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa và nhập khẩu mặt hàng này. Còn phần ngọn là các đại lý cấp 2, các cửa hàng bán lẻ thuộc phạm vi quản lý của cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường ở địa phương. Theo ông Tuấn, với tình trạng mặt hàng sữa mua đứt bán đoạn rất khó quản lý. Khoảng cách từ người sản xuất tới người tiêu dùng qua bao nhiêu tầng nấc phân phối. Riêng đại lý cấp 2 đã có 3.000 cơ sở, còn đại lý cấp 4, cấp 5 thì lên tới 10.000 với hàng trăm nhãn sữa. Cơ quan quản lý giá đâu có ba đầu sáu tay mà kiểm soát được. Ông Tuấn cũng cho biết hiện Cục Quản lý giá đang tổng hợp báo cáo của các địa phương về việc thực hiện bình ổn giá sữa trong tháng 3. Qua báo cáo của các doanh nghiệp kinh doanh sữa và sở tài chính, Cục Quản lý giá đề nghị Sở Tài chính Hà Nội, TP.HCM cần tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra việc tăng giá tại các công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sữa để quản lý và bình ổn giá sữa. LÊ THANH |